Lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 – Nhìn từ góc độ người làm công tác HĐND (17/02/2013 Lượt xem: 60)
Hiến pháp năm 1992 đánh một dấu mốc quan trọng trong quá trình đổi mới toàn diện của đất nước trên các lĩnh vực chính trị, tổ chức bộ máy nhà nước, kinh tế, văn hóa, xã hội…
Hiến pháp năm 1992 đánh một dấu mốc quan trọng trong quá trình đổi mới toàn diện của đất nước trên các lĩnh vực chính trị, tổ chức bộ máy nhà nước, kinh tế, văn hóa, xã hội… đặc biệt là việc chuyển nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Đây là văn bản thể hiện ý chí của nhân dân, xác lập một cách tập trung nhất, đầy đủ nhất và cao nhất sự lựa chọn chính trị của nhân dân. Trên cơ sở những nguyên tắc mang tính hiến định, từ năm 1992 đến nay có rất nhiều văn bản luật, dưới luật được ban hành để điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội của Việt Nam trong từng giai đoạn theo định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, tình hình trong nước có những thuận lợi, khó khăn đan xen; kinh tế - xã hội, văn hoá của đất nước phát triển với nhiều thành tựu quan trọng sau 25 năm đổi mới đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 phù hợp với xu thế của thời đại và tình hình thực tiễn trong những chặng đường lịch sử xây dựng và phát triển đất nước.
Ngày 23/11/2012, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 38/2012/QH13 tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đến giai đoạn hiện nay - giai đoạn tổ chức triển khai để đưa ra lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân từ Trung ương đến địa phương. Tỉnh Cà Mau cũng đã chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện; thành lập Tổ Thư ký tổng hợp ý kiến nhân dân; xây dựng dự toán, sử dụng và thanh toán kinh phí; tiến hành kiểm tra việc triển khai tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với cấp huyện. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng đã hoàn thành việc tổ chức các Hội nghị triển khai việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, có hàng ngàn người đến dự. Đây là những công việc vô cùng cần thiết, phải tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp ủy Đảng, các ngành, các cấp và toàn thể nhân dân để việc triển khai thực hiện lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên địa bàn tỉnh Cà Mau được nghiêm túc, khoa học, đảm bảo chất lượng và tiến độ.
Là người thực hiện nhiệm vụ tham mưu, giúp việc trong các mặt hoạt động của HĐND, gắn với tình hình thực tế của tỉnh, tôi dành sự quan tâm nhiều hơn đối với những nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND các cấp. Qua 20 năm thi hành Hiến pháp và các quy định của pháp luật, địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của HĐND, UBND các cấp đã được xác định khá rõ ràng, đã góp phần quan trọng từng bước hoàn thiện bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN, trọng tâm là cải cách nền hành chính nhà nước. Từ đó, HĐND, UBND các cấp tuân thủ quy định của Hiến pháp, pháp luật, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định. Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND các cấp đã phát huy tốt vai trò phối hợp, điều hành các hoạt động của Chính quyền địa phương. Tuy nhiên, trong thực tiễn hoạt động, do nhiều nguyên nhân, từng lúc, từng nơi HĐND chưa thể hiện rõ, đầy đủ “cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương”, nhất là HĐND cấp huyện, cấp xã.
Thực tiễn phong phú và những thành tựu đạt được qua 20 năm thi hành Hiến pháp năm 1992, chúng ta càng thấy rõ ý nghĩa lịch sử và giá trị định hướng, chỉ đạo to lớn của Hiến pháp đối với công cuộc đổi mới theo con đường xã hội chủ nghĩa ở nước ta; thấy rõ thêm những vấn đề mới đặt ra cần tiếp tục được hoàn thiện trong Hiến pháp cũng như sự cần thiết, kịp thời của việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992. Trong giai đoạn “nóng bỏng” này, chúng ta hãy dành sự quan tâm thỏa đáng cho việc nghiên cứu, đóng góp những ý kiến xác đáng để góp phần hoàn thiện Hiến pháp của Nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.